Được viết bởi: Tiến sĩ Kasia Weina, Giám đốc và Nhà đồng sáng lập EGL –
Tiêu điểm: giới thiệu về cách thức tổ chức của EGL bao gồm sự khởi đầu, hướng tiếp cận đối với đổi mới xã hội và các giải pháp cho những thách thức mang tính hệ thống mà xã hội và môi trường xung quanh chúng ta đang phải đối mặt.
Trong một xã hội với vô vàn khó khăn cần phải giải quyết, chúng ta dễ bị choáng ngợp với việc nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để tạo ra sự thay đổi mang tính tích cực. Từ biến đổi khí hậu, đói nghèo cho đến ô nhiễm rác thải nhựa, thế giới dường như bị tấn công dồn dập bởi hết vấn đề này đến vấn đề khác. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong khả năng ứng phó khẩn cấp cũng như việc đối xử vô nhân đạo với con người và động vật, từ đó cho ta thấy tầm quan trọng của việc đổi mới toàn diện.
Đặt vào bối cảnh đó, người doanh nhân mang trong mình trọng trách lớn lao hơn bao giờ hết, nhất là khi so với một vài thập kỷ trước, thời điểm mà mối quan tâm hàng đầu là lợi nhuận và tăng giá trị cổ phần. Kỷ nguyên của đổi mới xã hội và tinh thần kinh doanh có trách nhiệm mở ra với một làn sóng các doanh nghiệp vừa có mục tiêu đạo đức lại vẫn có sự nhạy bén trên thương trường. Các công ty, dù lớn hay nhỏ, đã có những nỗ lực to lớn hướng tới phát triển bền vững với trọng tâm là “ba cạnh tam giác”, đại diện cho 3 khía cạnh môi trường, nhu cầu xã hội và lợi nhuận. Từ chỗ chỉ là một góc nhỏ trong bộ máy vận hành, vẫn hay được biết đến dưới cái tên Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), đến nay tác động xã hội đang dần được tích hợp vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của các mô hình kinh doanh mới.
Sự chuyển dịch này đã bắt đầu hình thành trong những năm gần đây và các đơn vị như vậy hiện nay được phép hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Trong khi sự hiểu biết toàn diện về ý nghĩa thực sự của thuật ngữ cũng như những lợi ích mà mô hình mang lại vẫn còn là một câu hỏi ngỏ, những doanh nhân trẻ đều cam kết tạo ra sự khác biệt thông qua các hoạt động kinh doanh của mình. Năm 2016, tại thời điểm thị trường còn mới mẻ và non nớt, Evergreen Labs đã được thành lập tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, với mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong đổi mới xã hội ở khu vực miền Trung. Để làm được điều này, Evergreen Labs đề ra cho riêng mình các nguyên tắc vận hành và xây dựng dự án xã hội.
Bước đầu là lựa chọn vấn đề cần giải quyết. Nếu không có một tuyên ngôn rõ ràng về vấn đề cần giải quyết, việc giải quyết được vấn đề là bất khả thi. Hầu hết những vấn đề chúng tôi tập trung giải quyết đều liên quan đến nhiều bên, mang tính hệ thống và không ngừng biến đổi. Do đó, chúng tôi buộc phải nắm rõ vấn đề một cách toàn diện. Thông qua phương pháp tiếp cận mang tính tư duy hệ thống, chúng tôi có thể hiểu được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và xác định các điểm có thể can thiệp trong toàn bộ hệ thống. Cần lưu ý rằng những vấn đề này thường rất cụ thể, phạm vi hẹp và chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ hệ thống. Một doanh nghiệp xã hội nhỏ bé đâu thể nào giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu lớn lao, vậy nên ta hãy tập trung vào một vấn đề để tìm giải pháp và tìm cách nhân rộng chúng nhằm tạo ra tác động lớn hơn.
Khi vấn đề đã được xác định và làm rõ, chúng tôi tìm kiếm các giao điểm khả dĩ cho sự can thiệp, thậm chí kể cả những sự can thiệp mang tính thay đổi trong hệ thống. Thường thì những giải pháp này cần phải đơn giản, tiết kiệm chi phí và theo quy mô nhỏ. Vậy phát triển giải pháp như thế nào? Ý tưởng đến từ đâu? Điều này không hề đơn giản. Chúng tôi làm việc dựa trên một số nguyên tắc hướng dẫn có thể làm nổi bật các cơ hội tiềm năng cho sự đổi mới. Trước tiên, chúng tôi khảo sát các giải pháp tiềm năng hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn, được chi tiết hóa trong bài viết của Ellen Macarthur Foundation, thúc đẩy các mô hình kinh doanh tuyến tính truyền thống (khai thác – sản xuất – xả thải) sang mô hình tuần hoàn không rác thải. Mặc dù thường bị hiểu sai thành “các giải pháp quản lý chất thải”, quả vẫn đúng là mô hình kinh tế tuần hoàn tập trung vào thiết kế tái sinh, nghĩa là các giải pháp này hướng đến giảm sự tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn, thay vào đó tập trung vào các nguồn tài nguyên tái tạo. Một số ví dụ về thiết kế tuần hoàn, bao gồm một vài nghiên cứu điển hình từ Evergreen Labs sẽ được giới thiệu trong các bài viết sắp tới trong tháng này nhằm đưa những khái niệm này vào thực tế.
Để kiểm nghiệm những giải pháp này, chúng tôi phải đi qua một quá trình kiểm tra tính khả thi và thí điểm mô hình rất nghiêm ngặt. Việc hợp tác với các trường đại học khác nhau trên thế giới và các đối tác địa phương tạo điều kiện giúp chúng tôi thử nghiệm các giải pháp mới để xem, một, liệu chúng có giải quyết được vấn đề hay không, hai, có bất kỳ nhân tố nào không lường trước được không, và ba, có thể vận hành các giải pháp này như một mô hình kinh doanh bền vững hay không? Tất cả các yếu tố này đều quan trọng như nhau trong quá trình kiến tạo một doanh nghiệp xã hội thành công. Nếu một trong các yếu tố này không đáp ứng được yêu cầu, chúng tôi sẽ công bố những phát hiện của mình để chia sẻ với các doanh nhân, tổ chức và đối tác khác. Nếu giải pháp được coi là thành công, chúng sẽ được đưa vào thực tế và chuyển đổi thành một doanh nghiệp xã hội. Đến nay, đội ngũ của chúng tôi đã phát triển 13 giải pháp, trong đó có 4 giải pháp đã trở thành các doanh nghiệp xã hội độc lập.
Có thể thấy có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau xung quanh sáng kiến đổi mới xã hội và cách thức của Evergreen Labs thể hiện một phương pháp luận tổng hợp và toàn diện nhằm giải quyết vấn đề mà các nước đang phát triển phải đối mặt. Trong khi đổi mới xã hội vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong các doanh nghiệp xã hội, ở Mỹ chỉ khoảng 10%, chúng tôi tin rằng các khía cạnh xã hội và môi trường phải được xem xét trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong tương lai để không chỉ đảm bảo sự bền vững trên hành tinh xanh của chúng ta mà còn là sự bền vững của chính doanh nghiệp nói riêng.
Trong những bài báo tới, Evergreen Labs sẽ nhấn mạnh vào chủ đề tuần hoàn không rác thải bao gồm một số nghiên cứu điển hình từ tổ chức của chúng tôi.
All views and opinions expressed on this site are those of the individual authors and comments on this site are the sole responsibility of the individual contributor.