Được viết bởi: Tiến sĩ Kasia Weina, Giám đốc và Nhà đồng sáng lập Evergreen Labs –
Bài viết làm nổi bật công việc và cách tiếp cận của EGL trong lĩnh vực rác thải nhựa và câu chuyện thực tế của những người lao động xử lý chất thải và các đối tác của chúng tôi.
Thời gian gần đây, xu hướng loại bỏ rác nhựa hướng tới mô hình không rác thải đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, những hiểu biết xung quanh đề tài này vẫn còn rất hạn chế, vẫn còn nhiều người không biết rác thải ra sẽ đi về đâu, việc tái chế thực sự có ý nghĩa gì và làm thế nào để giảm thiểu tác động môi trường. Trong bài báo tháng này, tôi hi vọng sẽ làm sáng tỏ chủ đề này bằng kiến thức chuyên môn tại Evergreen Labs với một số nghiên cứu điển hình để làm nổi bật các hành động và giải pháp thiết thực ở Việt Nam.
Để bắt đầu câu chuyện không rác thải, trước tiên ta phải biết rằng không phải tất cả các loại nhựa đều có vấn đề như nhau. Mặc dù thoạt nhìn thì khó mà phân định được, trên thực tế trong ngành công nghiệp chế tạo, nhựa được phân biệt theo chủng loại, chất lượng và khả năng thu hồi. Có hai loại nhựa chính: nhựa có “giá trị cao/ có thể bán được” và nhựa “có giá trị thấp/ nhựa chết”. Loại nhựa đầu tiên bao gồm chai nước PET và tất cả các loại nhựa cứng như HDPE (hộp đựng bột giặt). Những vật liệu này hiện đang được nhóm lao động phi chính thức thu gom và mua bán, cuối cùng sẽ được mang đi tái chế. Tuy nhiên, bạn đừng để bị lừa. Nhựa PET không thể tái chế liên tục và đến cuối sẽ bị tái sinh “giáng cấp” thành sợi polyester trong ngành dệt may.
Loại thứ hai là nhựa giá trị thấp thường không được thu gom do không có cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc công nghệ để tái sử dụng. Những loại nhựa này bao gồm giấy gói, bao bì, hộp đựng thực phẩm, túi nhiều lớp, đồ dùng một lần, v.v… Hiện tại, loại vật liệu này không được tái chế. Với khối lượng rất nhẹ, chúng dễ bị thổi bay vào nước gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Nghiên cứu sâu hơn vào thành phần chất thải ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng gần 70% là rác ướt hay thường gọi là rác hữu cơ. Nguyên nhân chính là do Việt Nam tiêu thụ rất nhiều nông sản tươi. Rác nhựa chiếm 12% và trong đó chỉ có 15% được tái chế, còn lại 85% được xử lý ở các bãi chôn lấp hoặc bị xả thải ra ngoài môi trường. Mặc dù có nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu đầy đủ về khối lượng chất thải ở Việt Nam, nhưng các số liệu rất khác nhau giữa các nghiên cứu và không có một nghiên cứu nào có thể đưa ra kết luận bao quát. Ước tính Việt Nam thải ra hơn 30 triệu tấn rác thải mỗi năm, trong đó khoảng 3.500 tấn rác nhựa mỗi ngày (theo Ngân Hàng Thế Giới 2008)
Như đã đề cập vắn tắt ở trên, công việc tái chế ở Việt Nam và các nước lân cận phụ thuộc rất nhiều vào nhóm lao động phi chính thức hay còn gọi là “người ve chai” trong tiếng Việt. Những người lao động này, thường là nữ giới, thu gom tất cả các loại phế liệu có giá trị thải ra từ hộ gia đình hoặc từ hoạt động kinh doanh. Họ mang những thứ thu gom được đến các điểm thu mua phế liệu, từ đây vật liệu tiếp tục được mua đi bán lại tới các cơ sở sản xuất (xem hình minh họa). Hiện tại, Việt Nam không có một cơ chế nào để thu hồi loại vật liệu này, do đó tất cả hoạt động tái chế trong nước chỉ có thể được thực hiện bởi nhóm người lao động này. Để biết thêm thông tin về nhóm lao động phi chính thức, bạn có thể tham khảo nghiên cứu của chúng tôi với UNDP và được giới thiệu trên South China Morning Post.
HIện tại, khu vực phi chính thức không thu gom loại nhựa không có hoặc có rất ít giá trị vì không tìm được người thu mua. Do đó đã có nhiều nỗ lực gần đây trong việc tìm giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề này. Nếu không có các giải pháp bền vững, khả thi về mặt thương mại, loại nhựa này sẽ tràn lan, làm quá tải các bãi rác, đại dương và môi trường sống của chúng ta. Nhằm làm nổi bật các giải pháp giải quyết vấn đề này ở Việt Nam, chúng ta hãy ‘phóng to” bản đồ để nhìn vào miền Trung Việt Nam, nơi Evergreen Labs đã phát triển một dự án xã hội nhằm mang lại giá trị cho nhựa không có giá trị.
Năm 2017, Evergreen Labs bắt đầu công trình trong lĩnh vực nhựa giá trị thấp (tham khảo bài viết cách tiếp cận của EGL). Sau gần 4 năm nghiên cứu và phát triển, bao gồm nghiên cứu tính khả thi, phát triển máy móc và thử nghiệm, doanh nghiệp xã hội ReForm Plastic đã đi vào vận hành. ReForm Plastic là một cách tiếp cận sáng tạo, hiệu quả về chi phí để giải quyết những chất thải khó xử lý nhất trong một mô hình toàn diện. Thông qua quá trình xử lý đơn giản với chi phí thấp, loại rác thải không sử dụng được biến thành những tấm ván chắc chắn. Những tấm ván này có thể được sử dụng thay thế gỗ trong sản xuất đồ nội thất, đặc biệt với các đặc tính ngoài trời ưu việt (bao gồm bàn làm việc, hộp trồng cây, tủ đựng đồ, ghế, và nhiều sản phẩm khác. Tham khảo danh mục sản phẩm tại đây). Cơ sở hiện đang xử lý khoảng 40 tấn chất thải mỗi tháng, thường bị vứt vào các bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường. Sau khi mở cơ sở đầu tiên vào năm 2020, nhóm nghiên cứu đang tìm cách mở rộng mô hình này thông qua mô hình tiếp cận nhượng quyền xã hội và đã mở 2 cơ sở nhượng quyền xã hội với các đối tác ở Myanmar.
Bằng cách mang lại giá trị cho nhựa, chúng ta có thể loại bỏ chúng khỏi môi trường và tạo ra một hệ thống vòng đời sản phẩm vô tận cho chúng. Mặc dù cách giải quyết tốt nhất là loại bỏ hoàn toàn nhựa, chúng ta vẫn đang tiêu thụ một lượng lớn không thể đo lường trên toàn cầu và rất cần các giải pháp để sử dụng vật liệu này. Bài viết tiếp theo sẽ đi sâu vào các nỗ lực để không có rác thải và loại bỏ hoàn toàn việc tiêu thụ nhựa của chúng tôi.
(English Version)
All views and opinions expressed on this site are those of the individual authors and comments on this site are the sole responsibility of the individual contributor.