“Có người nói đùa, nếu so với các nước phương Tây, Việt Nam chống dịch COVID-19 thành công một phần là nhờ chúng ta đã… quá quen với việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Chiếc khẩu trang là “vật bất li thân” của đại đa số người dân Việt Nam.
Quả thật vậy, thử nghĩ nếu một ngày ra đường mà không có khẩu trang, bạn sẽ phải “đối mặt” với những gì: dễ thấy nhất là khói xe – xe máy, ô tô, xe tải, những chiếc xe buýt nhả khói đen ngòm chen nhau trên phố; bụi từ các công trình thi công đường sá, nhà ở; khói từ những lò than nướng thịt được quạt thẳng ra đường; và nguy hiểm nhất – là lớp bụi mịn mà cứ ngỡ… sương mù Đà Lạt.
Từ thực tế này, trong loạt bài “Phát Triển Hạ Tầng Bền Vững” trên Sustainable Vietnam, Chị Vương Minh HIền – Quản lý Bền vững của EZLAND Việt Nam – cho rằng, bên cạnh các ngành công nghiệp có sử dụng chất đốt và giao thông vận tải, mật độ dân cư và hoạt động xây dựng là một trong những nguyên nhân đang “đầu độc” không khí tại đô thị. Trong bài viết, chị cũng nêu các giải pháp khả thi mà chúng ta có thể thực hiện ngay hôm nay để góp phần “lọc sạch” bầu khí quyển tại chính nơi chúng ta sinh sống. Mời các bạn theo dõi!”
Vấn đề tiếp theo mà tôi muốn đề cập trong loạt bài này là tình trạng chất lượng không khí đang xuống cấp trầm trọng tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Cứ mỗi tháng Chín, khi độ ẩm tăng, các chất ô nhiễm trong không khí không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và bị “mắc kẹt” lại bên dưới, tạo thành một màn sương bao trùm khắp thành phố. Trong thời tiết, đây gọi là hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng mây mù bất thường này làm chỉ số chất lượng không khí chuyển sang màu đỏ, đôi khi thậm chí là màu tím. Cảnh tượng mà bạn ngỡ chỉ thấy tại Bắc Kinh, giờ đây hiện ngay trước mắt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: người dân đeo khẩu trang PM chuyên dụng trong bầu không khí ngộp ngạt và khô khốc bởi lớp bụi mịn dày đặc.
Tiếp xúc lâu dài với không khí “bẩn” có thể gây ra nhiều căn bệnh nghiêm trọng như:
- Đột quy, bệnh tim
- Tắc nghẽn phổi, ung thư phổi và các bệnh suy hô hấp khác
- Phá huỷ hệ thần kinh, não bộ, gan và thận
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Việt Nam, ô nhiễm không khí gây tử vong khoảng 60,000 người mỗi năm và làm giảm một năm tuổi thọ bình quân của người Việt.
Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí đến từ việc đốt cháy nhiên liệu than đá trong một số ngành công nghiệp truyền thống (như nhiệt điện) và khói thải từ phương tiện giao thông, vốn chứa CO2, NO2 và rất nhiều chất hoá học độc hại khác. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bạn có biết, các toà nhà cao tầng và vô số các hoạt động thi công cũng đang góp phần “đầu độc” bầu không khí của chúng ta?
Một lần nọ, tôi phải chạy sau một chiếc xe tải chở cát từ một công trình và chứng kiến tận mắt những vệt cát và đám bụi tung mù mịt bám vào tất cả những người đi đường trong bán kính 10 mét từ chiếc xe.
Cảnh tượng thế này ở Việt Nam không hề hiếm, phải không?
Trên thực tế, tại Việt Nam chưa có khảo sát chính thức nào từ việc ô nhiễm gây ra bởi các hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, tại thủ đô Delhi, Ấn Độ, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm soát Ô nhiễm Delhi vào năm 2016, 30% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí của thành phố này đến từ các công trình xây dựng. Con số trên phần nào đã cho chúng ta hiểu biết tổng quan về mối liên hệ quá rõ ràng giữa ngành xây dựng và vấn nạn ô nhiễm không khí.
Cạnh đó, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, các cao ốc chung cư mới tiếp tục mọc lên như nấm để đáp ứng mật độ dân số ngày càng đông đúc. Cộng với hệ thống giao thông công cộng và mạng lưới đường đi bộ chưa hiệu quả để bắt kịp với nhu cầu di chuyển của người dân. Điều này đồng nghĩa, giao thông sẽ ngày càng ùn tắc kéo theo ô nhiễm ngày một nặng hơn.
Bạn có thể làm gì để cải thiện vấn đề này?
Khi nói đến giải quyết ô nhiễm không khí, yếu tố then chốt nằm ở những người hoạch định chính sách.
Một giải pháp điển hình là yêu cầu tất cả nhà thầu phải xây dựng phương án phòng chống ô nhiễm tại công trình. Dự án càng lớn, kế hoạch phải càng chặt chẽ và chi tiết để đảm bảo không gây hại cho môi trường trong suốt quá trình thi công.
Nếu bạn đang dự định xây hoặc sửa sang ngôi nhà của mình, hãy yêu cầu nhà thầu áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây:
- Che đậy kín các vật liệu xây dựng, tại công trường và cả trên các phương tiện vận chuyển.
- Giữ cho mặt đất tại công trình luôn ẩm ướt để bụi lắng xuống và ngăn không cho phát tán.
- Xịt rửa máy móc xây dựng và thiết bị cơ giới hàng ngày để làm sạch tất cả cát trước khi ra/vào công trình.
- Ưu tiên các nguồn vật liệu tại địa phương để hạn chế di chuyển chúng hàng trăm kilômét.
Nếu bạn có ý định mua hoặc thuê nhà, hãy chọn những nơi gần đầu mối giao thông như các trạm xe buýt hoặc xe trung chuyển, cũng như gần các tiện ích như cửa hàng và quán ăn, để bạn có thể dễ dàng đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng mà không cần phải lái xe.
Bạn có ý tưởng nào khác không? Hãy chia sẻ với tôi và những độc giả khác nhé.
Đón đọc bài viết tiếp theo – Thiếu hụt không gian xanh – trong series Phát Triển Hạ Tầng Bền Vững!
Nguồn
All views and opinions expressed on this site are those of the individual authors and comments on this site are the sole responsibility of the individual contributor.